VƯỜN QUỐC GIA MŨI CÀ MAU PHỐI HỢP WWF – VIỆT NAM TỔ CHỨC HỌP THAM VẤN XÂY DỰNG PHA 2 DỰ ÁN SDC RAMSAR
Dự án “Cải thiện cuộc sống của cộng đồng người nghèo thông qua các sinh kế thay thế thân thiện với bảo tồn tại các khu đất ngập nước Ramsar ở đồng bằng sông Cửu Long – Tiểu dự án Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau” do Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ thông Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (gọi tắt là WWF – Việt Nam), với tổng ngân sách thực hiện hoạt động của tiểu dự án tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là 198.518 USD (tương đương 4.426.951.400 VND) và được Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau phê duyệt tại Quyết định số 1569/QĐ-UBND ngày 20/6/2022, thực hiện trong 03 năm 01/01/2022 đến 31/12/2024.
Ảnh: Một gốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau – Địa bàn thực hiện Dự án
Qua quá trình triển khai các hợp phần giai đoạn 1, Dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần hỗ trợ Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nói riêng và các khu đất ngập nước trong vùng dự án nói chung về cải thiện hiệu quả quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái, đồng thời hỗ trợ nâng cao sinh kế và nhận thức về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên của người dân sống trong và ven lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giảm nghèo và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu từ đó giảm nhẹ áp lực lên công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên trên lâm phần.
Thực hiện Công văn số 8786/UBND-NV ngày 21 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc cho chủ trương Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam đến làm việc. Ngày 14 tháng 11 năm 2024, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp và làm việc với Đoàn Công tác của Tổ chức WWF – Việt Nam về công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái, tham vấn các nội dung, đề xuất ý tưởng hoạt động cho Pha 2 của Dự án SDC Ramsar và thăm địa bàn dự án SDC Ramsar tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Tiếp và làm việc với Đoàn, đại diện Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, có ông Lý Minh Kha – Phó Giám đốc và lãnh đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Vườn; Đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển, có ông Tiêu Minh Luân – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty; Đại diện Ủy ban nhân dân xã Đất Mũi, bà Trần Diễm Kiều – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và đại diện Ban Nhân dân các ấp: Ấp Mũi, Rạch Tàu và Rạch Tàu Đông. Về phía Tổ chức WWF – Việt Nam có 05 thành viên do ông Hoàng Việt – Giám đốc Chương trình Nước làm trưởng đoàn, trong đó có 01 người nước ngoài: Bà OSWALD KATRIN mang Quốc tịch Thụy Sĩ - Quản lý cấp cao và là đại diện nhà tài trợ từ WWF – Thụy Sĩ.
Ảnh: Quang cảnh buổi làm việc tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã trình bày khái quát về mục tiêu và định hướng, các giải pháp thực hiện trong pha 2 của Dự án: (1) Nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường năng lực quản lý đất ngập nước và sự phối hợp giữa các khu Ramsar; Công tác bảo tồn đa dạng sinh học được theo dõi và cập nhật thường xuyên, hiệu quả quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước được cải thiện tại 03 khu Ramsar; (2) Cải thiện năng lực, kỹ thuật của người dân trên lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nhằm nâng cao sinh kế, thúc đẩy liên kết thị trường giữa người mua hàng tiềm năng và người sản xuất tại địa phương để tạo ra mô hình sinh kế bền vững; (3) Các cơ chế tài chính hiện có được sử dụng để sử dụng để hỗ trợ việc huy động vốn các hoạt động trong khu Ramsar và cơ chế tài chính mới được xây dựng và nghiên cứu tính khả thi.
Qua đó, mong muốn được nghe Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chia sẽ về tổng quan về công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái cũng như những tồn tại, khó khăn thời gian qua. Đồng thời, nêu một số hoạt động, mô hình của Dự án đã có hiệu quả, được nhân rộng thời gian qua và một số tồn tại mà Dự án chưa thực hiện được cũng như đề xuất các định hướng cho giai đoạn tiếp theo của Dự án nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
Sau khi nghe đại diện Đoàn công tác chia sẽ, Ông Lý Minh Kha – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau giới thiệu tổng quan về đặc điểm hệ sinh thái đất ngập nước của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cũng như sự đa dạng của quần thể sinh vật trên lâm phần. Đồng thời, ông cũng chia sẻ những kết quả đạt được trong giai đoạn 1 của Dự án SDC Ramsar như: cung cấp dữ liệu đa dạng sinh học và áp dụng công nghệ R-METT để nâng cao hiệu quả quản lý; cải thiện sinh kế và nâng cao nhận thức về quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư sống trên lâm phần.
Ngoài ra, trên lâm phần và xung quanh lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt nuôi trồng thủy sản và kinh doanh các dịch vụ phục vụ du lịch. Gần đây, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã xây dựng các đề án, dự án về phát triển du lịch sinh thái, thủy sản nhằm tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề, nâng cao sinh kế cho người dân sống trên và ven lâm phần, vừa phát triển du lịch sinh thái nâng cao sinh kế cộng đồng.
Qua trao đổi, thảo luận đã đưa ra một số vấn đề: Công tác bảo tồn đa dạng sinh học và hiệu quả quản lý các khu Ramar; Sự tiếp cận nguồn vốn viện trợ trong và ngoài nước; Cải thiện sinh kế thông qua các mô hình sinh kế của người dân trên lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; Cơ hội về tín chỉ carbon từ hệ sinh thái rừng ngập mặn,..
Trên cơ sở các ý kiến vấn đề thảo luận, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã đề xuất Chương trình hỗ trợ về nâng cao năng lực cán bộ chủ chốt của các khu Ramsar; chuyển đổi ngành nghề nâng cao các mô hình sinh kế công đồng; các hoạt động truyền thông cộng đồng; phát triển du lịch sinh thái trong đó tập trung phát triển chất lượng du lịch, đa dạng hóa về sản phẩm du lịch; Điều tra, đánh giá lại các tiêu chí công nhận Khu Ramsar Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau kể từ khi được công nhận ngày 13/12/2012; tập huấn về kỹ năng xây dựng, quảng bá sản phẩm, chứng chỉ và nhãn hiệu sinh thái cho các sản phẩm du lịch, thủy sản; hỗ trợ triển khai thực hiện các mô hình sinh kế bền vững để cải thiện sinh kế cho các đối tượng là hộ gia đình không có đất sản xuất.
Trong thời gian tới, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau sẽ tiếp tục tập trung làm tốt hơn nữa công tác quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học trên lâm phần; đồng thời, mở rộng hợp tác với các đơn vị, tổ chức nghiên cứu, cải thiện hiệu quả quản lý hệ sinh thái đất ngập nước cũng như nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân cư trong khu vực vùng đệm.
Ảnh: Đoàn Công tác thăm địa bàn thực dự án SDC Ramsar tại VQG Mũi Cà Mau
Kết thúc buổi làm việc, Đoàn công tác của Tổ chức WWF đến thăm quan 01 hộ nuôi tôm rừng và 02 hộ phục vụ du lịch cộng đồng tham gia trong khuôn khổ Dự án SDC-Ramsar, giai đoạn 1 tại Phân khu Phục hồi sinh thái, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau./.