ĐOÀN CÔNG TÁC BAN NỘI CHÍNH TỈNH ỦY ĐẾN THĂM VÀ CHÚC TẾT CÁC ĐƠN VỊ QUẢN LÝ RỪNG NGẬP MẶN TẠI VƯỜN QUỐC GIA MŨI CÀ MAU
Ngày 23 tháng 01 năm 2025, thực hiện Thông báo số 109/TB-UBND tỉnh ngày 19/12/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chương trình hoạt động của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh – Tết Nguyên đán Mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025, Đoàn công tác do Đồng chí Trần Hữu Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã đến thăm và chúc tết các đơn vị rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Tham gia cùng đoàn có đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Chi cục Kiểm lâm và cơ quan Báo Cà Mau, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh đến dự và đưa tin. Về phía địa phương có đại diện Huyện Ủy huyện Ngọc Hiển, 12 đơn vị quản lý, chủ rừng trên địa bàn.
Ảnh: Đồng chí Trần Hữu Phước, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy trao quà đến các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng. Tại buổi gặp mặt mừng xuân, đại diện đoàn Đồng chí Trần Hữu Phước đã ân cần thăm hỏi, động viên và có những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả viên chức, người lao động và bà con nhân dân trên các lâm phần tiếp tục phát huy tốt kết quả đạt được trong năm 2024, phấn đấu hơn nữa trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cùng nhau đoàn kết giữa các đơn vị quản lý và chủ rừng, tăng cường quản lý, phát triển rừng tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Đại diện các đơn vị quản lý, các chủ rừng, Lãnh đạo Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã có báo cáo nhanh về tình hình chung, kết quả quản lý bảo vệ rừng năm 2024 và công tác chuẩn bị vui xuân đón tết cho viên chức, người lao động và bà con sống trên các lâm phần rừng ngập mặn, sơ lược như sau:
Về tình hình chung, nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến động của điều kiện kinh tế xã hội và môi trường, đời sống sinh kế của người dân. Trong năm 2024, mặt dù về đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên các lâm phần có cải thiện nhưng trước bối cảnh thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp ảnh hưởng giá nguyên vật liệu, xăng dầu, hàng hóa, giá vận chuyển tăng cao, chi phí sản xuất tăng phần nào đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân trên các lâm phần. Biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, hạn hán, sạt lở, triều cường, dịch bệnh diễn biến ngày càng cực đoan, mức thiệt hại càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, sinh kế của đa phần người dân trong vùng, điều này phần nào cũng làm gia tăng áp lực lên công tác quản lý bảo vệ rừng nói riêng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói chung.
Được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, sự lãnh đạo trực tiếp của UBND tỉnh, sự đoàn kết quyết tâm của toàn lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trong năm đã triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, đạt nhiều kết quả nổi bật, song vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.
Về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cho đến thời điểm này, khu vực rừng ngập mặn tương đối ổn định. Công tác bảo vệ được triển khai thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, tình trạng chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác thuỷ sản trái phép được sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đã không để xảy ra các điểm nóng, không để phát sinh vi phạm lớn, vụ việc phức tạp trên các lâm phần rừng ngập mặn.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp: Công tác quản lý và phát triển rừng năm 2024: Trồng rừng mới 300/300 ha đạt 100% so với kế hoạch; trồng rừng sau khai thác 5.784,34/5.002,71ha đạt 115,6% so với kế hoạch; trồng cây phân tán 2.859.485/2.8000.000 cây đạt 102%. Qua đó đảm bảo diện tích có rừng tập trung đạt 93.060 ha. Diện tích đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 2.121 ha. Diện tích đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý sản xuất là 21.674 ha.
Trong các năm qua, rừng ngập mặn đã đựơc quản lý chặt chẽ hơn, phát huy tốt vai trò, chức năng của rừng ngập mặn, hỗ trợ nâng cao sinh kế bền vững cho người dân. Ở những khu vực được giao khoanh nuôi, người dân nuôi trồng các loại thuỷ sản đặc hữu của địa phương dưới tán rừng. Các mô hình dịch vụ du lịch sinh thái, trãi nghiệm rừng ngập mặn ngày càng phát triển đã mang lại việc làm, thu nhập cao, bền vững cho người dân trong vùng theo mô hình homestay, farmstay.
Ở chiều ngược lại, người dân cũng ý thức ngày càng cao trong bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường rừng, ý thức được bảo vệ rừng cũng là bảo vệ hoạt động sinh kế của chính người dân được hiệu quả và bền vững. Từ đó tinh thần hợp tác của dân đối với các lực lượng quản lý bảo vệ rừng ngày càng cao.
Về phát triển du lịch trên các lâm phần rừng ngập mặn, thông tin về du lịch chủ yếu trên lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Kết quả năm 2024 đã đáp ứng phục vụ tốt các đoàn Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đến thăm quan, làm việc và trồng cây tại Khu du lịch Mũi Cà Mau; Phối hợp, hỗ trợ cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành công các chương trình, sự kiện lớn, các đoàn khách quốc tế đến Khu du lịch Mũi Cà Mau. Tổng số lượt khách tham quan Khu du lịch Mũi Cà Mau năm 2024 đạt 480.415 lượt khách (Có hơn 500 lượt khách quốc tế, gần 33 ngàn lượt khách tham quan xuyên rừng), tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả quản lý bảo vệ rừng cũng như khai thác hoạt động du lịch sinh thái đạt được như trên, ngoài được sự quan tâm sâu sát của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh còn nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể giữa chủ rừng với các địa phương, sự quan tâm hỗ trợ thường xuyên, kịp thời từ các sở, ngành có liên quan, sự kiên trì, vượt qua khó khăn bám chặt địa bàn của lực lượng kiểm lâm, viên chức, nhân viên quản lý bảo vệ rừng chuyên trách và các Tổ quản lý tự quản bảo vệ rừng.
Một số vấn đề còn khó khăn theo đại diện các đơn vị quản lý, các chủ rừng phản ánh với đoàn.
Đối với người dân sinh sống trên và quanh các lâm phần, đời sống, sinh kế còn khó khăn. Rất mong tiếp tục được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, từ các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong phát triển các mô hình sinh kế hiệu quả, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên các lâm phần.
Đối với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, từ tháng 7/2024 với chính sách tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng đã cải thiện đáng kể thu nhập là niềm động viên lớn lao, tạo sự phấn khởi, an tâm cho viên chức, người lao động trong công tác.Tuy nhiên, chế độ, chính sách đối với lực lượng quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế về thu nhập so với điều kiện công tác đặc thù 24/7 của công tác bảo vệ rừng.
Về công tác chuẩn bị vui xuân đón tết cho viên chức, người lao động tại các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng.
Cho đến thời điểm này, hầu hết các chủ rừng đã thực hiện xong công tác tổng kết, Hội nghị viên chức đầu năm, chi trả xong kinh phí quản lý bảo vệ rừng đến các hộ nhận khoán, chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã tổ chức các đợt đến thăm hỏi, động viên đối với lực lượng trực tiếp quản lý bảo vệ rừng, dịp này cũng đã thăm hỏi động viên các hộ nhận khoán, đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn chuẩn bị đón tết Ất Tỵ được đầy đủ, vui tươi, đầm ấm.
Các đơn vị chủ rừng có hoạt động du lịch trên lâm phần như Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đang gấp rút chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phục vụ đón khách du lịch trong dịp Tết, nhiều sản phẩm du lịch, sản phẩm đặc trưng, lưu niệm, quà tặng đã cải tiến hình thức trình bày bao bì, nhãn mác cho phù hợp với không khí năm mới, sẵn sàng đưa vào khai thác phục vụ trong dịp tết.
Các đơn vị đã thông báo Chương trình Tết và triển khai kế hoạch trực, đảm bảo nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng được thực hiện xuyên suốt, có hiệu quả cao trước, trong và sau Tết Nguyên đán
Ảnh: Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chúc tết, trao quà cho các Đội quản lý bảo vệ rừng. Đại diện Đoàn, Đồng chí Trần Hữu Phước đánh giá cao kết quả đạt được, ghi nhận những vấn đề còn khó khăn và có những ý kiến gợi mở chỉ đạo. Trong đó đồng chí lưu ý các đơn vị chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay trong công tác quản lý bảo vệ rừng cùng với lực lượng chuyên trách. Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng giữa các đơn vị và chính quyền địa phương. Tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình du lịch sinh thái, xem đây là nguồn sinh kế ngoài thu nhập từ nuôi trồng, khai thác dưới tán rừng.
Đáp lời, Lãnh đạo Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - đại diện các chủ rừng trong khu vực rừng ngập mặn xin tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị chủ rừng cập nhật, bổ sung làm rõ trong kế hoạch năm, có giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, công tác phối hợp và quan tâm hơn nữa trong tăng cường, nâng cao sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân sinh sống trên các lâm phần rừng ngập mặn.
Dịp này, thông qua đoàn, đại diện chủ rừng đã gửi lời đã trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo và các đồng chí trong đoàn đã đến chúc tết, tặng quà nhân dịp đầu xuân. Đây là niềm vinh dự, nguồn động viên lớn lao đến toàn thể người dân, viên chức, người lao động trên các lâm phần rừng ngập mặn. Qua đó, cùng nhau quyết tâm, phấn đấu vượt qua khó khăn hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ trong thời gian tới.