Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau phối hợp với Tổ chức WWF – Việt Nam thực hiện các dự án khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên theo tinh thần Công văn số 5299/UBND-NNTN ngày 07/9/2020 của UBND tỉnh Cà Mau về việc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Tổ chức WWF – Việt Nam đã vận động Ngân hàng HCBC đóng góp kinh phí để thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 150 ha trên đất bãi bồi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Ảnh: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trên đất bãi bồi VQG Mũi Cà Mau
Năm 2023, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tiếp tục triển khai thực hiện dự án “Cải thiện cuộc sống của cộng đồng người nghèo thông qua các sinh kế thay thế thân thiện với bảo tồn tại các khu đất ngập nước Ramsar ở Đồng bằng sông Cửu Long – Tiểu dự án Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau”, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương năm 2022 tại Quyết định số 1569/QĐ-UBND ngày 20/6/2022 của UBND tỉnh Cà Mau với 03 mục tiêu: (1) Bảo tồn đa dạng sinh học ở khu Ramsar Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được tăng cường nhờ vào việc nâng cao năng lực, cập nhật kiểm kê đa dạng sinh học và tăng cường quản lý dựa trên công cụ R-METT; (2) Sinh kế của cộng đồng địa phương (tập trung vào các nhóm dễ bị tổn thương nhất), an ninh lương thực và khả năng chống chịu với khí hậu ở các khu vực vùng đệm khu Ramsar Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được cải thiện; (3) Nhận thức của cộng đồng địa phương về quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường được nâng lên cũng như hành vi của họ được thay đổi.
Trong khuôn khổ của dự án, từ ngày 28 tháng 11 năm 2023 đến ngày 30 tháng 11 năm 2023, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã phối hợp với Tổ chức WWF – Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn nâng cao lực cho hơn 30 cán bộ lãnh đạo, viên chức, người lao động của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tại Trụ sở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Tham dự chương trình tập huấn có: (1) Ông Đỗ Văn Đồng – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; (2) Ông Lý Minh Kha– Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cùng 29 viên chức lãnh đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ, Ban thuộc Vườn và các viên chức, người lao động. Về phía Tổ chức WWF – Việt Nam có Bà TS. Trịnh Thị Long – Giám đốc Dự án. Ngoài ra, có sự tham gia của PGS.TS Lê Anh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, tư vấn các nội dung của chương trình tập huấn.
Ảnh: Quang cảnh buổi tập huấn tại VQG Mũi Cà Mau
Phát biểu chào mừng và khai mạc buổi tập huấn, ông Đỗ Văn Đồng - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của Tổ chức WWF – Việt Nam trong hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng ngập mặn, sinh kế công đồng dân cư thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thời gian qua và xác định đây là hoạt động hết sức ý nghĩa trong công tác quản lý - bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời nâng cao năng lực của viên chức thuộc Vườn trong công tác truyền thông cộng đồng. Qua đó, ông cũng yêu cầu các viên chức tham gia tập huấn nghiêm túc tiếp thu, trao đổi, chia sẽ những vấn đề còn đang vướng mắc để nâng cao kỹ năng truyền thông.
Ảnh: PGS.TS Lê Anh Tuấn chia sẻ về nội dung chương trình tập huấn
Trong thời gian tập huấn, các cán bộ của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được nghe PGS.TS Lê Anh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ - chia sẻ, trao đổi về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái đất ngập nước và sinh kế cộng đồng, giải pháp thích ứng; chia sẽ khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; Giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước và quản lý khu Ramsar; Các phương pháp, kỹ năng trong công tác truyền thông cộng đồng và thực hành các kỹ năng trong công tác truyền thông.
Sau hơn 03 ngày tập huấn tại hội trường, đại biểu tham gia tập huấn đã được cập nhật về tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác công tác truyền thông cộng đồng và thực hành một số kỹ năng truyền thông về phương pháp, nội dung, kế hoạch truyền thông, phong cách,…..
Đây là một hoạt động thiết thực và đầy ý nghĩa, thông qua chương trình tập huấn giúp cho công tác truyền thông của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau ngày được nâng cao cũng như sự kết nối của người dân vùng đệm và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau ngày một gần hơn, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của rừng ngập mặn cũng như bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu ngày nay./.
Ảnh: Đại biểu tham dự tập huấn chụp ảnh lưu niệm